thieu quyet doan

thieu-quyet-doan-mua-sach-hay

THIẾU QUYẾT ĐOÁN – Làm thế nào để khắc phục nhược điểm này?

thieu-quyet-doan-mua-sach-hay

 

Một câu hỏi 4 chữ tưởng chừng đơn giản nhưng “kinh hoàng”, có thể khiến nhiều người trong chúng ta cảm thấy khó chịu mỗi khi nhắc đến chính là:

Tối nay ăn gì?

Cuộc hội thoại đó sẽ càng mệt mỏi hơn khi bạn nhận được câu trả lời này từ đối phương:

Gì cũng được!

Họ trả lời “gì cũng được” với mọi đề xuất của bạn, hoặc không muốn lựa chọn và nhường quyền quyết định cho bạn. Nhưng khi bạn đưa ra quyết định, họ lại không mấy vui vẻ. Kết quả, cả bữa ăn tối trở thành thảm họa.

Câu chuyện trên là một trong vài trải nghiệm quen thuộc liên quan đến tính thiếu quyết đoán – một nhược điểm phổ biến nhưng không hề vô hại như chúng ta thường nghĩ.

Nhược điểm nhỏ, tác hại lớn

Nếu bạn không thể trả lời dứt khoát cho một vấn đề đơn giản như “Tối nay ăn gì?”, thì hẳn là bạn sẽ liên tục thiếu quyết đoán, trì hoãn và lãng phí nhiều thời gian trong vô vàn vấn đề hàng ngày khác như: “Tôi nên mặc gì để đi dự tiệc? Tôi nên để kiểu tóc gì? Tôi nên đi đường nào đến điểm hẹn?”…

Một khi đã phân vân với những vấn để nhỏ nhặt, không có gì đáng ngạc nhiên nếu người thiếu quyết đoán gần như “tê liệt” với những vấn đề quan trọng trong cuộc sống như sự nghiệp, tình yêu, hôn nhân, các mối quan hệ gia đình và xã hội. Các nhà khoa học đã xác nhận tính cách thiếu quyết đoán có thể dẫn đến nhiều hệ lụy, kìm hãm chúng ta trên con đường chinh phục thành công sự nghiệp lẫn hạnh phúc cá nhân. Sự thiếu quyết đoán giống như bị mắc kẹt trong vũng bùn, đến nỗi nhà tâm lý học nổi tiếng William James từng thốt lên rằng: “Kẻ bất hạnh nhất thế gian chính là người không thể tự mình quyết định được việc gì.

Tính thiếu quyết đoán trở nên nghiêm trọng khi nó kéo dài. Bạn cần thời gian để đưa ra quyết định, nhưng cụ thể là bao lâu? Đừng quên rằng quá lâu sẽ đồng nghĩa với muộn màng: Bạn sẽ đánh mất một cơ hội quý giá, hoặc bạn sẽ lỡ mất thứ gì đó mình hằng mơ ước…

Hãy nhớ, sẽ có những trường hợp, sự trì hoãn của bạn cũng đồng nghĩa với một quyết định: Bạn vừa vô tình nhường quyền lựa chọn cho những người khác nhanh chân và quyết đoán hơn bạn, và họ tóm lấy cơ hội hoặc quyền lợi lẽ ra thuộc về bạn!

Ngoài ra, tính thiếu quyết đoán không chỉ khiến chúng ta lãng phí thời gian và kém hiệu quả trong nhiều việc, mà nó còn là nguồn cơn của nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần như trầm cảm, lo âu, bồn chồn kéo dài,…

Kẻ bất hạnh nhất thế gian chính là người không thể tự mình quyết định được việc gì.
— William James

 Vì sao chúng ta thiếu quyết đoán?

Theo các nhà tâm lý học, sự thiếu quyết đoán xuất phát từ nhiều nguyên nhân đa dạng khác nhau. Tác nhân khiến bạn thiếu quyết đoán không hẳn là tác nhân gây thiếu quyết đoán ở người khác. Sau đây là một số nguyên nhân phổ biến nhất khiến chúng ta phân vân hoặc lúng túng trong việc đưa ra quyết định:

  • Bạn muốn làm hài lòng tất cả mọi người: Bạn mong muốn trở thành “hoa hậu thân thiện”, không muốn làm mất lòng ai. Bạn tin rằng nếu mình tỏ ra nhún nhường và để người khác làm theo ý họ, họ sẽ thích bạn hơn. Tuy nhiên về lâu dài, lối sống phụ thuộc vào quyết định của người khác sẽ khiến bạn mai một khả năng tự ra quyết định cho chính mình, lãng quên những mong muốn và sở thích riêng của bản thân, và đánh mất dần khả năng làm chủ cuộc sống của mình.
  • Bạn từng ra quyết định sai lầm trong quá khứ: Ký ức này vẫn còn ám ảnh bạn, khiến bạn không dám tin vào những nhận định và niềm tin của chính mình.
  • Thế giới ngày nay có quá nhiều sự lựa chọn: Mỗi khi phải suy nghĩ nên ăn món gì cho bữa tối, nên đi chơi đâu vào ngày nghỉ, hoặc nên mua một chiếc áo khoác như thế nào, chúng ta bị “dội bom” bởi hàng tá sự lựa chọn tiềm năng. Việc phải động não chọn ra phương án tốt nhất trong số đó khiến chúng ta cảm thấy quá tải, mệt mỏi và không muốn thực hiện.
  • Bạn quá cầu toàn: Bạn mong muốn chọn được phương án hoàn hảo về mọi mặt, không muốn lỡ mất thứ gì, trong khi trên đời không có thứ gì hoàn hảo hay tuyệt đối.
  • sach-tet-mua-sach-hay

 

Khắc phục tính thiếu quyết đoán

Ra quyết định có thể là một việc khó khăn với nhiều người trong chúng ta, nhưng cũng như bao kỹ năng khác, nó là điều chúng ta hoàn toàn có thể rèn luyện và cải thiện được.

Theo chuyên gia tư vấn kỹ năng sống Brett Blumenthal, sau đây là 6 bước giúp bạn trau dồi kỹ năng ra quyết định để thành công và hạnh phúc hơn trong cuộc sống của mình:

  1. “Biết mình biết người”: Thấu hiểu bản thân, thấu hiểu những giá trị mình theo đuổi chính là nền tảng của sự quyết đoán. Điều này giúp bạn dễ dàng đưa ra được những lựa chọn và quyết định hợp lý, bởi bạn biết rõ những mối quan tâm, mong muốn và sở thích của bản thân mình. Mỗi khi đối mặt với tình huống cần phải lựa chọn, sự “biết mình biết người” sẽ giúp bạn mường tượng được những lựa chọn hoặc phương án trong đầu, so sánh, ưu tiên và chọn ra được những phương án gắn liền với những giá trị quan trọng đối với bản thân.
  2. Tin tưởng bản thân: Trong nhiều trường hợp, tình trạng thiếu quyết đoán là hệ quả của sự thiếu tự tin. Để ra quyết định và hành động hiệu quả, chúng ta cần tin vào trực giác, tin vào bản thân mình. Hãy luôn nhắc nhở bản thân rằng mỗi người chúng ta đều có quyền năng làm chủ cuộc đời mình; vì vậy, không ai khác có thể đưa ra quyết định cho chúng ta tốt hơn chính chúng ta.
  3. Điều chỉnh tính cầu toàn của bản thân: Cầu toàn có thể là một đức tính tốt, nhưng trong nhiều trường hợp khác, nó là nguồn cơn của sự trì hoãn và thiếu quyết đoán. Hãy nhớ, trên đời không có phương án nào là tuyệt đối “đúng”, “sai”, “tốt”, hay “xấu”. Tất cả các lựa chọn đều có ý nghĩa nhất định với bạn. Nếu bạn không dám lựa chọn, bạn không gặt hái hay học hỏi được gì. Nhưng nếu bạn lựa chọn, bạn sẽ được tiếp nhận những quyền lợi gắn liền với lựa chọn đó. Dù lựa chọn đó hay dở thế nào, bạn có thể tự hào rằng mình vừa tiến về phía trước, không dặm chân tại chỗ hay tụt hậu như những người trì hoãn. Lựa chọn đó vừa giúp bạn thấu hiểu bản thân mình hơn, và ngộ ra nhiều kinh nghiệm và bài học bổ ích cho tương lai.
  4. Lựa chọn vì mình: Nhiều người gặp khó khăn trong việc ra quyết định vì quá lo lắng về những gì người khác nghĩ về mình, lo sợ những quyết định của mình bị đám đông phán xét. Chẳng hạn, khi bạn chọn một nghề nghiệp nào đó chỉ vì đám đông đang tung hê nó, vì nó đang được xã hội xem là “thời thượng”, chứ bạn thật lòng chẳng yêu thích nó, bạn đang ra quyết định dựa trên những gì người khác nghĩ chứ không dựa trên những mong muốn của chính bạn. Hãy chắc chắn rằng những quyết định của bạn phản ánh những mối quan tâm của cá nhân bạn, những giá trị bạn theo đuổi hoặc quan trọng với bạn.
  5. Nhìn nhận vấn đề một cách khách quan: Mặc dù chúng ta cần lựa chọn và ra quyết định trên cơ sở những nhu cầu và mục tiêu của bản thân, việc lắng nghe, tiếp thu ý kiến hoặc lời khuyên của một vài người bạn tin tưởng không bao giờ là thừa. Đó có thể là một người thầy, một người đàn anh hoặc đàn chị bạn ngưỡng mộ, hoặc một người bạn thân – những mối quan hệ đáng tin cậy, hiểu bạn và ủng hộ những ước mơ của bạn. Họ có thể chia sẻ cho bạn nhiều thông tin bổ ích xoay quanh những lựa chọn bạn đang quan tâm, hoặc giúp bạn có cái nhìn toàn diện và đúng đắn hơn về chúng để bạn có thể đưa ra được quyết định tối ưu.
  6. Chuyển hóa những thách thức thành Cơ Hội Thành Công: Trong nhiều trường hợp, chúng ta sợ ra quyết định vì mỗi phương án đều có những khó khăn thử thách riêng, đều có những cái giá chúng ta phải trả để đạt được điều mình muốn. Hãy chuyển hóa những khó khăn ấy thành cơ hội tiến bước. Chẳng hạn, nếu bạn e ngại quyết định thay đổi công việc vì mình chưa đáp ứng đầy đủ các kỹ năng cần thiết của công việc mới mà mình hướng đến, hãy xem đây là cơ hội giá trị để được học hỏi và rèn luyện những kỹ năng mới. Những kỹ năng này không chỉ giúp bạn tự tin tiếp nhận công việc mới, mà về lâu dài, chúng còn có thể là hành trang thiết thực để bạn hoàn thiện bản thân, chinh phục những mục tiêu mới và tiến xa hơn trên con đường mình đã chọn.

(Tổng hợp từ Internet)

mua-sach-hay

MUA SÁCH HAY TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU!