chuc-loi-menh-mong-mua-sach-hay

Chút lời mênh mông



Tình Trạng: Còn hàng

Tác giả Nguyễn Đức Sơn
Kích thước 19×19 cm
Số trang 160
Năm xuất bản 2020
Hình thức bìa Bìa mềm ép kim, có tay gấp
Nhà xuất bản Đà Nẵng

80.000 ₫


Giá trị & dịch vụ cộng thêm:
Giao hàng nhanh chóng trong 24h.
Miễn phí giao hàng từ 199k ở nội thành HCM.
Tìm sách theo yêu cầu của quý độc giả.

Chuyên Mục: , .

Đặt Sách Nhanh: 0932.604.409 ( Mr . TRI ) hoặc Zalo: 0932.604.409

Email: [email protected]

Chút lời mênh mông

Tập thơ Chút lời mênh mông này là công sức góp nhặt trân quý của nhà thư pháp Hồ Công Khanh và những người con của nhà thơ Nguyễn Đức Sơn, đặc biệt là anh Nguyễn Đức Yên, tập hợp những bài thơ chưa từng được in trong các tập thơ của tác giả. Đây là lần trở lại chính thức đầu tiên của Nguyễn Đức Sơn sau gần 50 năm tuyệt tích. Lần hội ngộ này, không phải là luồng sáng nhuần nhụy mà là những ngôi sao, những mảng màu chắp vá do tính chất tập hợp dàn trải ở nhiều nơi và nhiều khung thời gian sáng tác. Nhưng ánh dư quang phát ra từ một thiên thể ánh sáng cũng đủ làm hài lòng những người tò mò và cũng thể hiện được phẩm chất của  tinh thể ánh sáng, nơi mà nó phát xuất.

 

Người ta đa phần có ý ngần ngại khi đọc thơ Nguyễn Đức Sơn vì thấy sự dâm tục quá nhiều, riêng tôi cũng thấy ngần ngại, nhưng không phải vì sự dâm tục trong thơ ông, mà ngần ngại vì mình không đủ thanh khiết để đọc. Mặc dù là một tu sĩ, tôi thấy mình cần phải thanh lọc tâm hồn mình thêm nữa để có thể bước vào thế giới thi ca của ông.

Đọc thơ Nguyễn Đức Sơn thấy tập nào cũng tục tĩu. Nguyễn Đức Sơn đã manh nha về tục, về nhục dục từ những  tập thơ đầu tiên – Bọt nước (Mặt Đất – 1965):

“Ôi tấm thân và da thịt đàn bà

Tôi rất thèm và muốn biết qua”

                                    (Cảm thương)

Đến Đêm nguyệt động (An Tiêm – 1967) thì sự tục tĩu đã lan tràn, tuy có phần còn e ấp dưới lớp hình ảnh đẹp:

“Năm mười bảy có lần anh ngó thấy

Em ở truồng ngoe ngoảy cuối vườn trăng”

                                    (Nhất nguyên)

“Ôi một đêm bụi cỏ dáng thu người

Em chưa đái mà hồn anh đã ướt”

                                    (Vũng nước thánh)

Đến Tịnh khẩu (An Tiêm – 1973) thì tục tĩu không còn chút e ấp nữa, nó đã trở thành chủ đề thường trực của thơ ông:

“Củi

Để chẻ

Gái

Để xẻ”

     (Tục ngữ)

Nhưng đọc những vần thơ tục của Nguyễn Đức Sơn chỉ thấy tục, không thấy cái gì khác thì đó là điều bất hạnh đối với người đọc!

Nguyễn Đức Sơn có những vần thơ rất hay và đẹp, thuộc vào hàng những bài thơ bất hủ đương thời:

“Mẹ chết từ thu lá rụng vàng

Con về đất cũ vấn khăn tang

Mẹ ơi con điếng người bên mộ

Trằn trọc đêm dài con khóc than

Hai cõi bao giờ được gặp nhau

Tóc xanh dù trắng đến bạc đầu

Làm sao quên được sao quên được

Mẹ ở đâu rồi trên bể dâu”

                                    (Mây trắng – Bọt nước)

“về đây với tiếng trăng ngàn

phiêu diêu hồn nhập giấc vàng đó em

trăm năm bóng lửng qua thềm

nhớ nhung gì buổi chiều êm biến rồi”

                                    (Ngàn sau – Lời ru)

 

“đây lứa cỏ của mùa trăng thứ nhất

đưa anh vào trong cõi mộng xa xăm

giọt tinh huyết ngàn năm sau chưa mất

rừng đông phương mờ mịt dấu em nằm”

                                    (Băng tuyết – Đêm nguyệt động)

chuc-loi-menh-mong-mua-sach-hay

Tôi muốn nhắc đến một nhà thơ đương thời với ông và cùng với ông được xếp trong nhóm Tứ trụ thi ca của miền Nam trước 1975 – Bùi Giáng. Bùi Giáng có đến mấy chục tập thơ và có đến hàng trăm bài thơ hay “tuyệt trần”:

“Hỏi tên rằng biển xanh dâu

Hỏi quê rằng mộng ban đầu đã xa”

                                    (Tặng Mã Giám Sinh)

“Ngày sẽ hết tôi sẽ không ở lại

Tôi sẽ đi và chưa biết đi đâu

Tôi sẽ tiếc thương trần gian này mãi mãi

Vì nơi đây tôi sống đủ vui sầu”

                                    (Phụng hiến)

Thế rồi, Bùi Giáng bắt đầu đùa giỡn, đùa đến mức ngỡ như điên:

“Tôi sẽ ra đi bỏ lại đời

Mỹ Tho, Mỹ Thọ, Sóc Trăng ơi

Mỹ thỏ muôn đời là sóc trắng

Gái mặc quần ra đứng ngó trời”

                                    (Tôi sẽ)

“Ông điên từ bữa hôm qua

Đến hôm nay nữa gọi là ba hôm”

                                    (Ông điên)

Những người đương thời có lúc đã đưa Bùi Giáng vào Chợ Quán – nhà thương điên tại Sài Gòn, những nhà phê bình về sau thì tranh cãi về việc ông có bị điên hay không, những người có cảm tình với ông thì nói ông sống “túy lúy tột cùng” trong cái mạch sống của mình, nhưng cả bản thân họ cũng còn nghi ngờ vì họ đôi khi – “dường như ổng điên thật”.

Cảnh ngộ và con đường thơ của Nguyễn Đức Sơn cũng không khác, Bùi Giáng đi đến chỗ bỡn cợt hồn nhiên như nhiên, Nguyễn Đức Sơn đi đến chỗ tục tĩu vô tư vô lự. Rõ ràng cả hai đều có khuynh hướng đi từ cái đẹp, cái trang nhã đến cái tầm thường, phàm tục. Người đọc không khỏi tiếc thương khi khuynh hướng ấy đã cướp đi những bài thơ hay mà đáng lẽ ra họ phải được thừa hưởng với tầm vóc của hai ông. Nhưng đó là sự lựa chọn của tác giả. Không phải ngẫu nhiên mà hai ông lại mang cả tài năng thiên bẩm của mình đi vào con đường “tăm tối” khác lạ với phần còn lại của thi giới đương thời.

Một nội dung đặc sắc không kém phần dung tục trong thơ Nguyễn Đức Sơn chính là cảnh vật tự nhiên, thiên nhiên. Thiên nhiên hóa thân thành đại gia đình của ông, từ các con: Thạch, Thảo, Thủy, Vân, Yên, Lão, Không, Phương Bối, Tiểu Khê tới bút hiệu ông Sơn Núi, Sao Trên Rừng – (Sương trên rào?); và như một dự báo tên của vợ chồng ông Nguyễn Đức Sơn – Nguyễn Thị Phượng cũng đã “an bài” theo tự nhiên. Nếu chỉ gọi tên không người ta sẽ tưởng đang miêu tả một vùng thiên nhiên.

Từ những tập thơ đầu, thiên nhiên đã tràn ngập trong thơ ông và với tình yêu lớn dành cho, ông đã thấy nhiều vẻ đẹp rất lạ của thiên nhiên:

“Nắng tà đã ngập lũng sầu

Bước nhanh tôi sợ ngày thâu ánh vàng

Giao mùa sớm lạnh thôn trang

Run run còn ngợ mấy hàng cây xanh”

                                    (Cuối thu – Lời ru)

Với những người bình thường, khi trẻ hoặc khi tâm hồn thăng hoa họ mới tiếp xúc được với thiên nhiên, càng lớn tuổi người ta càng bộn bề đua chen với thế sự và đánh mất dần cảm thức đối với tự nhiên. Với Nguyễn Đức Sơn càng về già thiên nhiên trong thơ ông càng sống động, lung linh. Ông không còn mô tả thiên nhiên như những tập thơ đầu nữa, khi ông viết về thiên nhiên, ông dường như đã trở thành một thành phần của thiên nhiên được phản ánh trong những câu thơ ấy, như hòa quyện vào thiên nhiên. Tác giả xuất hiện trong hầu hết các sinh thể tự nhiên được phản ánh. Đó cũng là một điều khác lạ của Nguyễn Đức Sơn so sánh với phần đông nhà thơ còn lại khi viết về tự nhiên:

“những hàng cây mới lên xanh

sáo vương khi nắng đã thanh giữa mùa

chiều êm hơn cả gió lùa

tôi ra cuối bãi tôi đùa với trăng

tay choàng lên với môi hằn

tôi mơn gió lả tôi măn vú đồi

có hương có nhạc trên trời

tóc tôi se gió mắt ngời ánh sao

có con chim rủ tôi vào

ở trong giấc mộng tôi trao ái tình

ngày trong xanh nắng trong thanh

tôi ôm cỏ dại ấp tình thiên thu”

                                    (Trên rừng khuya – Lời ru)

Tình yêu của ông đối với thiên nhiên quá lớn. Chính tình yêu ấy là động lực đã phát minh ra những câu thơ rất hay và lạ, điều mà không thể được nhào ra từ sự suy tư:

 “Mù sương âm vọng tiếng huyền

Có con dơi lạ bay trên cõi đời”

                                    (Mang mang – Lời ru)

Ông viết rất nhiều về trăng, nhưng nắng cũng được ông làm cho lung linh lên ngay trong cái khung cảnh nó được gọi tên. Nó như một sự phát hiện mới: nắng ray vàng, nắng lạnh, nắng lửng, nắng rụi, nắng thuở xưa…

“trăm năm bóng lửng qua thềm

Nhớ nhung gì buổi chiều êm biến rồi”

                                    (Ngàn sau –  Lời ru)

Nhưng không chỉ có trăng và nắng, mọi hiện tượng thiên nhiên đều ngời lên khi thơ ông khẽ chạm vào. Sức sống với thiên nhiên trong thơ ông sâu, dài và mạnh, kéo từ tập này qua tập khác, từ lúc mới làm thơ đến khi không thể viết thành thơ được nữa.

Đọc thơ Nguyễn Đức Sơn dâm tục nhiều thật, thiên nhiên bàng bạc thật, nhưng chỉ thấy dâm tục và thiên nhiên xem ra chỉ thấy được sắc màu, thấy được hiện tượng bên ngoài chứ chưa thấy được gì, thấy được phần ngọn mà không thấy phần gốc, thấy được phần nổi mà không thấy được phần chìm. Có một thứ sâu kín và bàng bạc còn hơn cả nội dung dâm tục và tư nhiên trong thơ Nguyễn Đức Sơn, đó chính là ý thức siêu thoát. Ý thức siêu thoát ấy bắt nguồn từ cảm thức vô thường trước vũ trụ bao la.

 

Bất cứ nhà thơ nào có một cảm thức sâu sắc về vũ trụ nhân sinh đều có ý thức siêu thoát tiềm ẩn. Trần Tử Ngang cô độc giữa đất trời, Nguyễn Du buồn thê thảm trong “cõi ta bà” hay Huy Cận mang “chiếc linh hồn nhỏ” để ôm sầu “mang mang thiên cổ”. Cảm thức này trong Nguyễn Đức Sơn cũng lại xuất hiện, về bản chất cũng không khác mấy. Chưa từng thấy có một nhà thơ tầm vóc nào mà lại không có cái cảm thức này,  một nhà tu hành chân chánh nào mà lại không có cái hụt hẫng trước không thời gian vô tận và mênh mông của tạo hóa.

“Không biết từ đâu ta đến đây

Mang mang trời thẳm đất xanh dày

Lớn lên mang nghiệp làm thi sĩ

Sống điêu linh rồi chết đọa đày”

                                    (Hoài niệm)

mua-sach-hay
MUA SÁCH HAY TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU!

Đánh giá

Chưa có đánh giá nào.

Chỉ những khách hàng đã đăng nhập và mua sản phẩm này mới có thể đưa ra đánh giá.

-10%
sach-di-nghi-luan-mua-sach-hay

Dị nghị luận Đồng chân dung – Đặng Thân

140.000 ₫ 126.000 ₫
Mời Mua Sách
Xem Nhanh
-9%
20231122_210255

Chẩn Đoán Phân Biệt Chứng Trạng Trong Đông Y

358.000 ₫ 325.000 ₫
Mời Mua Sách
Xem Nhanh
-10%
CHỨNG HẬU TRONG ĐÔNG Y

CHẨN ĐOÁN PHÂN BIỆT CHỨNG HẬU TRONG ĐÔNG Y

350.000 ₫ 315.000 ₫
Xem tiếp
Xem Nhanh