LÀM THẾ NÀO để cân bằng giữa Sự Nghiệp và Cuộc Sống Cá Nhân?

vespa-mua-sach-hay

LÀM THẾ NÀO để cân bằng giữa Sự Nghiệp và Cuộc Sống Cá Nhân?

Theo báo cáo quốc gia của Tổ chức nghiên cứu về Sự Nghiệp và Gia Đình (Canada) vào năm 2002, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống được định nghĩa là một tình trạng tích cực mà ở đó, con người có thể sắp xếp và quản lý thời gian của mình một cách hiệu quả để hoàn thành tốt nhiều trách nhiệm của bản thân trong công việc, trong gia đình và trong cộng đồng của mình. Theo các nhà khoa học, sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống không phải là một “nhiệm vụ bất khả thi” như nhiều người trong chúng ta thường lầm tưởng, mà nó là một mục tiêu mà chúng ta hoàn toàn có thể đạt được. Mỗi người lại có một quan điểm và định mức khác nhau về việc thế nào là cân bằng, và cân bằng bao nhiêu là đủ. Sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống giúp con người đảm bảo và hài hoà được các nhu cầu của bản thân về mặt sức khỏe, tinh thần, tình cảm, gia đình cùng các mối quan hệ ngoài xã hội, và bảo vệ bản thân khỏi các tác động tiêu cực từ stress và những biến cố không mong muốn.

vespa-mua-sach-hay

Trong khi đó, sự mất cân bằng – hay còn gọi là tình trạng xung đột giữa công việc và cuộc sống – xảy ra khi con người không thể chu toàn trách nhiệm của bản thân dù là trong công việc hay ngoài công việc, hoặc khi những trách nhiệm này trở nên quá tải, lấn át hay chồng chéo lẫn nhau. Tình trạng này trước nhất gây ảnh hưởng tiêu cực đối với sức khỏe tinh thần của con người, để rồi theo thời gian, một cuộc sống mất cân bằng và không được quản lý tốt khiến con người trở nên yếu ớt và dễ mắc phải những bệnh tật về mặt thể chất.


Tác hại của tình trạng mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Thống kê cho thấy hơn một phần tư dân số Hoa Kỳ thừa nhận mình bị “căng thẳng thần kinh tột độ” trong vấn đề cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Khảo sát mỗi năm ở Anh đều cho ra kết quả rằng cứ mười người đi làm thì có ba người trở thành nạn nhân của các chứng bệnh hoặc bất ổn về mặt tâm lý và tinh thần vì áp lực công việc. 13% dân số Anh làm việc hơn 49 giờ một tuần; trong khi đó, một công trình nghiên cứu vào năm 2008 của Kleppa và các cộng sự cùng nhiều nghiên cứu tương tự khác đã khẳng định rằng những người làm việc hơn 49 giờ/tuần có nguy cơ mắc phải các chứng rối loạn lo âu, căng thẳng thần kinh và trầm cảm nhiều hơn người bình thường.

Cụ thể, khảo sát của Quỹ tài trợ các dự án bảo vệ Sức Khỏe Tinh Thần của Anh Quốc cho thấy:

  • Một phần ba số người được khảo sát cảm thấy bất mãn vì việc theo đuổi sự nghiệp khiến họ phải hy sinh quá nhiều điều ý nghĩa khác trong cuộc sống của mình.
  • Hơn 40% số người đi làm được khảo sát thừa nhận rằng áp lực công việc khiến họ trở nên hờ hững hoặc bỏ mặc nhiều khía cạnh quan trọng khác của cuộc sống, và điều này về lâu dài có thể gây ảnh hưởng nghiêm trọng đối với sức khỏe của họ.
  • Trong số những người đang làm việc hơn 40 giờ/tuần, hơn một phần tư (27%) trả lời rằng họ bị trầm cảm vì công việc, một phần ba (34%) kể rằng họ luôn cảm thấy bất an về cuộc sống mất cân bằng mà mình đang phải chịu đựng, và hơn phân nửa (58%) nói rằng họ căm ghét tình trạng hiện tại của bản thân.
  • Người nào làm việc càng nhiều giờ, người đó càng tiêu tốn nhiều thời gian ngoài công việc chỉ để lo nghĩ về nó, khiến họ hầu như không còn thời gian cho cuộc sống cá nhân. Số giờ làm việc càng tăng, con người càng cảm thấy bất hạnh và thất vọng về cuộc sống.
  • Số phụ nữ thừa nhận tình trạng căng thẳng do mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống nhiều hơn nam giới (42% so với 29%), nhiều khả năng do xung đột giữa sự nghiệp và áp lực từ thiên chức làm mẹ và trách nhiệm chăm sóc con cái.
  • Gần hai phần ba số người được khảo sát khẳng định rằng họ đã từng ít nhất một lần hứng chịu hậu quã rõ rệt từ sự mất cân bằng giữa công việc và cuộc sống. Những hậu quả này bao gồm việc thiếu thời gian cho các hoạt động phát triển bản thân, thường xuyên mắc phải các chứng bệnh “lặt vặt” về thể chất lẫn tinh thần, các mối quan hệ xã hội nghèo nàn, cuộc sống gia đình nhàm chán hoặc thường xuyên xảy ra mâu thuẫn.

Tình trạng căng thẳng thần kinh do áp lực từ công việc và cuộc sống khiến chúng ta mất tập trung, thường xuyên cảm thấy âu lo, bất an, cáu bẳn, và dần dần hủy hoại các mối quan hệ của chúng ta. Nếu tình trạng này kéo dài, nó làm suy yếu hệ miễn dịch của con người, khiến chúng ta dễ mắc phải nhiều loại bệnh tật về mặt thể chất, từ các cơn đau đầu, đau lưng cho đến bệnh tim và nhiều căn bệnh mãn tính nghiêm trọng khác. Nhiều nghiên cứu gần đây khẳng định rằng tình trạng căng thẳng thần kinh kéo dài làm tăng gấp đôi nguy cơ trụy tim ở người.

Làm thế nào để hạnh phúc? - cân bằng giữa công việc và cuộc sống - ThS. Phan Nguyễn Khánh Đan

Giải pháp

Đạt được sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống cá nhân là một điều hoàn toàn có thể làm được, và lợi ích chúng ta nhận được từ việc đó là vô giá. Khi người lao động có một cuộc sống cân bằng và hạnh phúc, họ sẽ làm việc hiệu quả hơn, có sức khỏe tốt hơn, biết chu toàn trách nhiệm của mình trong gia đình cũng như ngoài xã hội.

Quỹ tài trợ các dự án bảo vệ Sức Khỏe Tinh Thần của Anh chia sẻ một vài đề xuất giúp chúng ta có được một cuộc sống cân bằng như sau:

  • Học cách tự chịu trách nhiệm cho cuộc sống và sự nghiệp của mình. Điều này đồng nghĩa với việc bạn phải mạnh dạn lên tiếng mỗi khi cảm thấy công việc của mình đang khiến mình phải hy sinh cuộc sống cá nhân một cách vượt quá giới hạn cho phép. Người lao động cần phải xác định áp lực công việc của mình đến từ đâu để có thể nhận diện vấn đề và giải quyết nó.
  • Đừng chỉ làm việc chăm chỉ, mà hãy làm việc thông minh. Để có thể làm việc hiệu quả mà không mất nhiều thời gian, bạn cần phải biết xác lập thứ tự cũng như mức độ ưu tiên cho từng mục tiêu và phần việc. Cho phép bản thân mình có đủ thời gian để hoàn thành mỗi mục tiêu hoặc phần việc, và tuân thủ thời gian biểu đó. Điều này sẽ giúp bạn cắt giảm được những hoạt động tiêu tốn thời gian nhưng không mang lại hiệu quả, chẳng hạn như những cuộc gặp gỡ và nói chuyện tuy kéo dài nhưng không giúp bạn và các đối tác hay đồng nghiệp của mình giải quyết được những vấn đề quan trọng nhất.
  • Cho phép bản thân mình được nghỉ ngơi trong cơ quan: Tận dụng khoảng thời gian nghỉ trưa để ăn uống đầy đủ, thư giãn hoặc rời khỏi văn phòng hít thở khí trời.
  • Xác định rõ giới hạn giữa công việc và cuộc sống cá nhân. Chỉ nên mang việc công ty về nhà làm trong những trường hợp thực sự cần thiết. Mỗi khi phải mang việc về nhà làm, đảm bảo rằng bạn làm việc trong những không gian nhất định – chẳng hạn như phòng làm việc riêng và đóng cửa lại – để không ảnh hưởng đến không khí gia đình.
  • Hãy lưu ý bản thân mình rằng việc làm việc quá sức hoặc hy sinh cuộc sống cá nhân vì công việc có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe và các mối quan hệ của mình. Hãy tập cho bản thân mình thói quen thư giãn, vận động cơ thể, tham gia các hoạt động thể dục thể thao hoặc dành thời gian cho những sở thích cá nhân. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng ngay cả vài phút thư giãn đơn giản như nghe nhạc cũng có tác dụng giúp chúng ta hạ huyết áp và cân bằng nhiều hoạt động chuyển hóa trong cơ thể chúng ta. Hãy luôn tự nhắc nhở bản thân rằng việc dành thời gian cho những điều mình yêu thích cũng quan trọng và đáng đầu tư tương đương công việc hay sự nghiệp lâu dài; có như vậy, chúng ta mới có thể có được một cuộc sống thực sự hạnh phúc và trọn vẹn!

.

~ThS. PHAN NGUYỄN KHÁNH ĐAN

 mua-sach-hay
MUA SÁCH HAY TRÂN TRỌNG GIỚI THIỆU!

Bài Liên Quan

mua-sach-hay

KỸ NĂNG LÀM CHỦ CẢM XÚC THẤT VỌNG, CHÁN NẢN

KỸ NĂNG LÀM CHỦ CẢM XÚC THẤT VỌNG, CHÁN NẢN...

lam-the-nao-de-moi-nguoi-ne-trong-mua-sach-hay

LÀM THẾ NÀO để được mọi người Nể Trọng?

LÀM THẾ NÀO để được mọi người Nể Trọng? 7...

mua-sach-hay-2018

BẠN có đang phải chịu đựng một Mối Quan Hệ Tồi?

Vài kỹ năng giúp Bạn có được những Mối Quan...